1. Tên gọi di tích
Đình - Chùa Chi Điền là công trình văn hóa tâm linh thuộc xã Cộng Hoà, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Trước năm 1962, thôn Chi Đoan ngày nay là hai thôn Chi Điền và Đoan Thượng. Tên di tích được gọi theo tên thôn Chi Điền cũ. Thôn Chi Điền có tên nôm là làng Tre, do vậy Đình - Chùa Chi Điền còn gọi là Đình - Chùa Tre. Ngoài ra, chùa có tên tự là Vĩnh Xuân. Theo triết tự chữ Hán, “Vĩnh” là dài, mãi mãi; “Xuân” là mùa Xuân, lộc xuân. Tên gọi Vĩnh Xuân gắn với mong ước của người xưa về ngôi chùa thờ Phật lâu dài, phúc lộc, trường tồn như mùa Xuân lộc chồi phát triển.

Toàn cảnh cụm di tích
Cộng Hoà là mảnh đất có truyền thống văn hoá lâu đời và có truyền thống hiếu học. Mảnh đất này đã sinh ra nhiều nhà nho danh tiếng, có người đỗ đạt cao ra làm quan giúp dân, giúp nước như cụ Đặng Huy Dư - làm Quan Trung lang hạng đại thần (dân thường gọi là Quan Lang), Phụng nghi đại tráng sĩ. Năm 2000, xã Cộng Hoà được Nhà nước phong tặng đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân theo Quyết định số 160 KT/CTN ngày 28/4/2000. Trước Cách mạng tháng 8/1945, trên địa bàn xã có nhiều công trình văn hóa tín ngưỡng như đình, chùa, nghè, miếu,… Trải qua các cuộc kháng chiến, tác động của thời tiết, khí hậu khắc nghiệt các công trình không được tu bổ bị xuống cấp nên phải tháo dỡ dùng vào các công việc khác.
Từ thị trấn Nam Sách đi về hướng đông bắc theo đường 5B qua các xã An Lâm, Phú Điền đến dốc đê Cổ Pháp, rẽ trái vào thôn Chi Đoan khoảng 2 km là đến cụm di tích Đình - Chùa Chi Điền.
2. Sự kiện lịch sử, nhân vật được thờ
Đình Chi Điền thờ Thành hoàng hiệu là Bố Cái Đại vương, húy Phùng Hưng, có công lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta chống lại ách đô hộ phương Bắc, xây dựng đất nước vào thế kỷ thứ VIII.

Đình - Chùa Chi Điền thôn Chi Đoan xã Cộng Hòa
Do có công với nước, với dân, Phùng Hưng đã được triều Nguyễn ban tặng sắc phong vào các năm Gia Long 9 (1810), Minh Mệnh 2 (1821), Thiệu Trị 2 (1842), Tự Đức 3 (1850), Đồng Khánh 2 (1887), Duy Tân 3 (1909) và Khải Định 9 (1924). Đây là những tư liệu khoa học quý có giá trị về mặt văn bản và niên đại khi tìm hiểu, nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp cũng như công trạng lớn lao của vị Thành hoàng làng. Tiếc rằng, trải qua thời gian và chiến tranh, các sắc này hiện không còn lưu giữ được. Ngoài thờ Phùng Hưng, từ năm 1994, Đình Chi Điền còn phối thờ vị thần có tên chữ là Nghiêm, tên thường là Nghị Quận công, đây là vị thần nguyên được thờ tại đình Đoan Thượng. Năm 1965, thực hiện chủ trương “Bài trừ mê tín dị đoan”, Đình Đoan Thượng phải tháo gỡ hoàn toàn. Một số đồ thờ tự (hòm sắc, sắc phong) được người dân cất giữ, sau đó đưa vào thờ tại Đình Chi Điền. Chùa Chi Điền thờ Phật theo thiền phái Đại thừa.
Cụm di tích không chỉ là nơi sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân, mà trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đình - Chùa Chi Điền còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện tiêu biểu của địa phương như: nơi tập trung nhân dân mít tinh mừng chiến thắng; làm trụ sở Uỷ ban Hành chính kháng chiến của xã An Phú; là địa điểm bầu cử Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; làm lớp học và địa điểm hội họp của xã Cộng Hoà. Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Đình còn được sử dụng làm kho của Hợp tác xã nông nghiệp Chi Đoan.
3. Lịch sử hình thành và phát triển di tích
Tương truyền, Đình Chi Điền nguyên là một ngôi miếu được khởi dựng từ thế kỷ X, đến năm Chính Hòa thứ 5 (1684), quan viên Tạ Duy Tinh, Tạ Duy Nhất, Tạ Duy Dương, hương lão Tạ Danh Duy, Lê Khả Miện cùng dân bản xã hưng công xây dựng ngôi đình 3 gian, 2 chái. Trải qua thời gian và tác động của thiên nhiên, ngôi đình bị hư hại. Thời Vua Duy Tân (1907-1916), Tiên chỉ Đặng Huy Trị, Lý trưởng Đặng Đức Sĩ cùng năm giáp và toàn dân công đức tiền bạc mua gỗ lim, thuê thợ về làm đình. Trong đó ông Đặng Kỳ Ông, húy Huy Hoan, là cháu của Lễ bộ Thị lang Đặng Huy Dư đã bỏ ba trăm nguyên (giá trị tiền là 1350 mân) giúp đỡ dân dựng đình trang nghiêm. Công việc hoàn thành, toàn xã cùng thuận tình suy tôn Kỳ Ông làm Hậu thần”.
Các cụ cao niên trong làng cho biết, Đình xưa tọa lạc trên một giải đất cao, bên phải và phía trước đình là giếng và ao rộng. Theo thuyết phong thủy và những quan niệm triết lý phương Đông, vị trí xây dựng ngôi đình là nơi tụ thủy, tụ phúc có dòng nước chảy từ hướng đông sang hướng tây nên giữ được phúc lộc dài lâu. Công trình kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Đại bái xây đao dĩ, hậu cung xây bít đốc. Toàn bộ hệ thống cột, vì kèo, xà dọc, xà ngang kết nối với nhau bằng kỹ thuật mộng mang cá tạo thành bộ khung chịu lực vững chắc với vật liệu chủ yếu bằng gỗ lim, chân cột đặt trên đá tảng. Di tích có nghệ thuật trang trí theo lối truyền thống, đặc biệt là tại tòa đại bái với những mảng chạm khắc theo đề tài “tứ quý” (tùng, trúc, cúc, mai) và “tứ linh” (long, ly, quy, phượng). Nội tự đình còn có nhiều hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng và các đồ thờ tự, tế khí tạo nên sự lộng lẫy và uy linh, điều đó càng làm tăng thêm sự huyền diệu, linh thiêng trong không gian tâm linh, cổ kính.
Năm 1962, thực hiện chủ trương “Bài trừ mê tín dị đoan”, 5 gian đại bái bị hạ giải, chỉ còn 3 gian hậu cung. Đến năm 1971, 3 gian hậu cung cũng bị tháo dỡ lấy nguyên vật liệu xây dựng nhà văn hóa thôn. Năm 1993, chính quyền và nhân dân địa phương phục dựng 3 gian đại bái đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng. 20 năm sau kể từ khi khôi phục lại 3 gian đại bái, năm 2013, với mong muốn mở rộng không gian thờ tự, do đóng góp của nhân dân trong thôn, con em xa quê, lòng hảo tâm công đức của các tổ chức, cá nhân và sự ủng hộ của chính quyền, Đình Chi Điền được xây dựng lại khang trang.
Theo bia “Hưng tạo Chi Điền đình - Cập Vĩnh Xuân tự bia” Chùa Chi Điền xây dựng vào năm Chính Hòa thứ 5 (1684) gồm 3 gian 2 chái tiền đường, 3 gian thượng điện, 1 gian thiêu hương. Phía trước minh đường có núi cao, phía sau có sông nước uốn lượn. Đến thời Nguyễn, di tích có thể được trùng tu, tôn tạo nhưng do thời gian và sự biến thiên, các nguồn tư liệu ghi chép và văn bia hiện không lưu giữ được.
Theo các cụ cao niên, Chùa Chi Điền xưa cách Đình Chi Điền khoảng 300 m về phía đông bắc. Công trình kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian tiền đường và 3 gian thượng điện, mặt tiền quay hướng tây nam, kết cấu khung vì bằng chất liệu gỗ lim chắc khỏe, tọa lạc trên một khuôn viên rộng, có nhiều cây cổ thụ. Năm 1949, thực dân Pháp phá chùa lấy nguyên vật liệu xây đồn bốt. Khu vực đất chùa nay là đất ở và ruộng canh tác của người dân.
Năm 1997, địa phương cho xây dựng 3 gian chùa nhỏ gần khu vực ao đình Chi Điền, mặt tiền quay hướng tây. Năm 2000, ao đình được lấp để mở rộng sân làm nơi sinh hoạt hoạt tôn giáo, tín ngưỡng. Đến năm 2018, UBND xã cùng nhân dân chung tay xây dựng lại ngôi chùa với quy mô lớn, kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian tiền đường và 3 gian thượng điện, chất liệu bằng bê tông cốt thép làm giả gỗ, xây theo kiểu đao tàu déo góc, mái lợp ngói mũi truyền thống. Hệ thống vì kèo theo kiểu chồng rường giá chiêng, họa tiết hoa văn được đắp vẽ theo đề tài lá lật mang phong cách truyền thống.
4. Lễ hội truyền thống và các di vật, cổ vật
Hoạt động rước anh linh các anh hùng, liệt sỹ về dự Lễ hội (Ảnh chụp năm 2024)
Hàng năm, trước Cách mạng tháng 8/1945, tại Đình Chi Điền có một kỳ lễ hội chính vào tháng Giêng (âm lịch), diễn ra từ ngày 17 đến ngày 19, trọng hội ngày 18 gọi là “làng vào đám”. Trong lễ hội có tổ chức rước Thánh từ 7 nghè về đình tế lễ, tổ chức rước giao hảo và hợp tế với đình của các thôn An Điền, Đoan Thượng và các đình Lục từ (gọi là hội Yến) tại địa phận Chi Điền xưa các cụm di tích 400 m về phía nam, ngoài tế lễ thông thường có năm hội Yến còn tế “Đảo vũ” nơi diễn ra lễ Lục từ gọi là đình Yến cạnh cổng làng Chi Đoan bây giờ nhưng đã trở thành khu dân cư. Đình Chi Điền thờ Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, Thượng Đẳng phúc thần đứng đầu Lục từ Nam Sách (Lục từ gồm 6 cửa đình là Đình Chi Điền - xã Cộng Hòa, Đình An Xá - xã Quốc Tuấn, Đình Đại Lã - xã Hiệp Cát, Đình Thượng Đáp - xã Nam Hồng, Đình Lang Khê - xã An Lâm, Đình Trắc Châu - xã An Thượng). Phần hội có hát chèo và các trò chơi dân gian như kéo co, chọi gà, cờ tướng, bịt mắt bắt dê... Sau một thời gian dài gián đoạn, từ năm 1994, lễ hội Đình Chi Điền được khôi phục lại. Tuy nhiên, thời gian tổ chức ngắn đi và phần hội cũng đơn gian hơn trước. Tại chùa, có các ngày lễ tiết: Ngày 15 tháng Giêng (âm lịch) lễ Thượng nguyên; ngày mồng 3 tháng 3 (âm lịch) giỗ Mẫu; ngày mồng 8 tháng 4 (âm lịch) lễ Phật đản, kỷ niệm Phật Thích Ca Mầu ni giáng sinh; ngày 15 tháng 7 (âm lịch) lễ Vu lan.

Nhà bia
Hiện tại, khu di tích còn lưu giữ 4 bia đá, 01 sắc phong, 01 hòm sắc; 01 chóe thờ có niên đại vào thời Hậu Lê và thời Nguyễn cùng hệ thống đồ thờ tự do nhân dân mới cung tiến.
5. Bảo tồn và phát huy giá trị di tích
Hoạt động tế lễ Thành hoàng làng tại Lễ hội (Ảnh chụp tháng 02/2024)
Với những giá trị về lịch sử, văn hoá của Cụm di tích, ngày 21/12/2022 Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương ký Quyết định số 3509/QĐ-UBND xếp hạng di tích Đình - Chùa Chi Điền là di tích lịch sử. Hằng năm, tại đình chùa diễn ra lễ hội với nhiều nghi thức, nghi lễ truyền thống và các trò chơi dân gian. Đây là khoảng thời gian, người dân được hoà mình vào không gian văn hoá của quê hương, họ cùng nhau thực hiện các nghi thức văn hóa truyền thống nhằm thể hiện sự tri ân với đức Phật và các vị Thành hoàng cùng các bậc tiền nhân đã có công bảo vệ quê hương, đóng góp tiền của hưng công trùng tu, tôn tạo di tích. Thông qua lễ hội là dịp để cố kết cộng đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết, đạo lý uống nước nhớ nguồn và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hiểu hơn, có trách nhiệm trong việc tham gia gìn giữ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phong tục truyền thống tại địa phương./.